Bluetooth là công nghệ kết nối đã quá quen thuộc với hầu hết mọi người hiện nay, bởi vì chiếc điện thoại nào cũng có kết nối này. Bluetooth là công nghệ kết nối không dây cho phép bạn truyền và nhận dữ liệu giữa các thiết bị, bao gồm âm thanh, hình ảnh, video,…
Ngày nay, bluetooth không những chỉ được dùng trên hầu hết các điện thoại, laptop, tablet,… mà còn được dùng trong loa nghe nhạc, tai nghe tivi, ô tô, và các thiết bị điện thông minh như tủ lạnh, máy lạnh,… Bluetooth giúp kết nối các thiết bị với nhau tạo ra sự đồng bộ và tiện lợi hơn khi sử dụng.
Tuy nhiên, có một công nghệ mới đó là kết nối UWB sẽ thay thế Bluetooth trong tương lai nhờ những đặc điểm vượt trội của nó.
UWB là gì?
UWB là viết tắt của từ Ultra-Wideband, là một giao thức truyền tín hiệu không dây tầm ngắn thông qua sóng vô tuyến tương tự như Bluetooth. Tuy nhiên, UWB khác với Bluetooth ở chỗ nó hoạt động ở tần số rất cao, một phổ tần số GHz rộng. Nhờ đó, UWB hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu cao hơn, cho phép thiết bị theo dõi chính xác, phát hiện môi trường và lập bản đồ xung quanh ngay lập tức.
Có thể ví UWB như một radar quét liên tục có thể khóa chính xác đối tượng, phát hiện vị trí của nó và giao tiếp với nó.
Mặc dù bạn có thể đã nghe nói về Ultra-wideband mới đây khi Apple thêm UWB vào iPhone hoặc trong 2 mẫu điện thoại Samsung Galaxy Note 20 Ultra và Galaxy Z Fold 2, nhưng công nghệ này thực sự đã tồn tại hàng thập kỷ. Ngay từ năm 2002, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã cho phép sử dụng UWB. Lúc đó, chi phí chế tạo UWB cao nhưng hiệu suất thấp hơn dự kiến đã hạn chế việc sử dụng UWB trong các sản phẩm tiêu dùng. Ngày nay, chip UWB có giá thành rẻ và thiết kế đủ nhỏ để có thể đặt bên trong các thiết bị khác như điện thoại thông minh, loa thông minh và các thiết bị thông dụng khác.
Ứng dụng của UWB
UWB được mong đợi sẽ thay thế công nghệ Bluetooth trong tương lai nhờ độ chính xác và tốc độ cao hơn.
Năm 2018, Samsung đã thành lập tổ chức FiRa Consortium, hợp tác cùng NXP và HID Global, phát triển nhiều ứng dụng khác nhau dựa trên UWB. Sau đó, hãng cũng đã tích hợp công nghệ này vào 2 mẫu điện thoại cao cấp là Galaxy Note 20 Ultra và Galaxy Z Fold 2 vừa ra mắt trong năm 2020. Chủ yếu dùng cho ứng dụng Nearby Share giúp các thiết bị kết nối và truyền dữ liệu nhanh hơn.
Trước đó, năm 2019, Apple cũng đã sử dụng UWB cho các mẫu iPhone 11 mới của mình. UWB sẽ giúp cho việc chuyển dữ liệu qua AirDrop được thuận lợi hơn. UWB cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong AirTags – thiết bị đang được Apple đầu tư phát triển. UWB sẽ giúp xác định vị trí của các thiết bị bị mất dù có hay không kết nối Bluetooth hoặc Wifi.
Các hãng công nghệ khác cũng mong muốn sử dụng UWB thay cho Bluetooth nhằm mang lại sự kết nối dễ dàng hơn, truyền dữ liệu chính xác và nhanh chóng hơn.
Theo Samsung, trong tương lai hãng này sẽ sử dụng kết nối UWB cho các thiết bị gia đình như khóa thông minh Digital Key, tủ lạnh thông minh, loa thông minh,… Samsung và các đối tác còn hy vọng UWB sẽ được sử dụng để hỗ trợ các chức năng lập bản đồ khu vực.
Trong khi đó, hãng Xiaomi cũng đang nghiên cứu sử dụng UWB trong một loạt thiết bị gia đình thông minh mà hãng này sản xuất bao gồm quạt, máy lọc không khí, robot hút bụi, loa và nhiều thiết bị khác.
Loa HomePod Mini khi được bán ra cũng sẽ hỗ trợ UWB để theo dõi vị trí người dùng, kết nối với các thiết bị di động,thiết bị thông minh và các thiết bị có chip U1 khác.
Cuối cùng, UWB được phát triển với mục đích thay thế tiềm năng cho Bluetooth hiện tại, vốn thường có nhiều lỗ hổng bảo mật và chắc chắn sẽ là một bổ sung quan trọng các thiết bị thông minh ngày nay.