Trong lĩnh vực máy tính, ép xung là hành động tăng xung nhịp của một thành phần máy tính như bộ xử lý CPU, GPU, Ram,… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về việc ép xung bộ vi xử lý CPU.
Ép xung CPU là gì?
CPU máy tính của bạn khi xuất xưởng từ nhà máy được thiết lập để chạy ở một tốc độ tối đa nhất định. Nếu bạn chạy CPU của mình ở tốc độ đó với việc làm mát thích hợp, nó sẽ hoạt động tốt mà không gây ra bất kỳ sự cố nào.
Tuy nhiên, bạn thường không bị giới hạn ở tốc độ CPU đó. Bạn có thể tăng tốc độ của CPU bằng cách đặt tốc độ xung nhịp hoặc hệ số nhân cao hơn trong BIOS của máy tính, buộc nó phải thực hiện nhiều hoạt động hơn mỗi giây.
Điều này có thể tăng tốc CPU của bạn – và do đó tăng tốc máy tính của bạn lên rất nhiều – nhưng CPU sẽ tiêu tốn điện năng và toả thêm nhiệt. Nó có thể bị hỏng về mặt vật lý nếu bạn không cung cấp thêm bộ làm mát hoặc nó có thể không ổn định và khiến máy tính của bạn màn hình xanh hoặc khởi động lại.
Ví dụ: nếu bạn có bộ xử lý có xung nhịp cơ bản là 2,91 GHz. Bạn có thể ép xung CPU cho nó chạy ở tốc độ xung nhịp cao hơn 2,91 GHz.
Có nên ép xung CPU hay không?
Để biết có nên ép xung CPU hay không, chúng ta hãy tìm hiểu về ưu và nhược điểm của nó:
Ưu điểm
Bạn nhận được tốc độ xử lý của CPU cao hơn, do đó máy của bạn sẽ chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, ép xung đã trở không cần thiết nữa khi mà hiện nay, bạn có thể sở hữu một con CPU tốc độ cao đáp ứng được nhu cầu của bạn.
Nhược điểm
Ưu điểm chỉ có vậy, nhưng nhược điểm của nó thì khá nhiều:
Việc bảo hành của sản phẩm sẽ bị vô hiệu nếu được ép xung. Nghĩa là khi bạn quyết định ép xung CPU thì quên đi chuyện bảo hành nó nhé. Nhà sản xuất sẽ không bảo hành CPU của bạn cho dù thời hạn bảo hành còn bao lâu đi nữa.
Việc ép CPU hoạt động vượt công suất của nó sẽ khiến tuổi thọ tổng thể của sản phẩm sẽ bị giảm.
Sản phẩm có thể bị hỏng hoặc có thể không hoạt động nếu được ép xung vượt quá một số giới hạn quy định.
Nếu đang ép xung, bạn nên tăng từ từ xung nhịp và kiểm tra mọi cấp độ mới để đảm bảo nó ổn định. Bạn cũng nên theo dõi nhiệt độ của CPU và đảm bảo rằng nó được làm mát thích hợp. Việc làm mát đi kèm với CPU của bạn có thể sẽ không còn đủ sức để tản nhiệt con CPU quá nóng do bị ép xung. Nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay, đừng cố ép xung – vì không có đủ không gian trong máy tính xách tay để xử lý nhiệt.
Ưu điểm chỉ có 1, nhưng nhược điểm thì rất nhiều. Do đó, việc ép xung chỉ nên được sử dụng để thử nghiệm. Nếu bạn là một người dùng bình thường, bạn không nên ép xung CPU để có tốc độ máy tính nhanh hơn.
Trên thực tế, chỉ có các game thủ là có nhu cầu sử dụng CPU tốc độ cao để trải nghiệm game tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả các game thủ cũng sẽ thấy rằng các CPU hiện đại quá nhanh và các trò chơi bị giới hạn bởi card đồ họa đến mức ép xung không còn cần thiết như trước đây.